Wednesday, July 23, 2014

Xung quanh vụ tai nạn máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines

Ngày 21/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố về vụ tai nạn máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia (MAS) ở vùng Donetsk, Ukraine, khiến hành khách và phi hành đoàn gồm 298 người thiệt mạng, trong đó nhấn mạnh: “Bất cứ ai cũng không được phép lợi dụng thảm kịch này để đạt được lợi ích chính trị riêng của mình”. Tổng thống Putin cũng lên án những kẻ lợi dụng vụ tai nạn này hòng “vụ lợi”, song không chỉ đích danh. Ông Putin cũng hối thúc lực lượng ly khai cho phép các chuyên gia quốc tế tiếp cận vị trí máy bay rơi.

Nga cứng rắn trước mọi cáo buộc

Theo ông chủ Điện Kremlin, sau tấm thảm kịch này, các bên ở Ukraine thay vì tách ra riêng rẽ thì hãy đoàn kết với nhau hơn. Ông bày tỏ hi vọng: “Các sự kiện này sẽ không gây chia rẽ, mà cần phải thống nhất, đoàn kết mọi người. Cần phải làm sao đó để tất cả mọi người, gồm những ai đang chịu trách nhiệm cho tình hình ở khu vực (xảy ra tai nạn) có cơ hội nâng cao trách nhiệm của mình trước nhân dân họ và trước nhân dân các quốc gia có nạn nhân trong thảm họa này”.

Tổng thống Putin cho biết thêm: “Đại diện của Donbass, Donetsk, đại điện của Cơ quan phụ trách các vấn đề khẩn cấp Ukraine và các chuyên gia Malaysia đã có buổi làm việc ngày 21/7. Nhưng như vậy là chưa đủ, cần phải gửi đến khu vực xảy ra thảm kịch MH17 một nhóm chuyên gia chính thức dưới sự bảo trợ của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) với tư cách là một Ủy ban quốc tế tương ứng”.

Ông Putin nhấn mạnh: “Phải đảm bảo mọi thứ được tạo điều kiện đầy đủ, an ninh tuyệt đối, và tạo nên các hành lang nhân đạo nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra của các chuyên gia quốc tế”.

Sau khi xảy ra thảm kịch trên, Mỹ và nhiều nước khác đã đổ lỗi cho Nga, khi nói rằng Moskva đang hậu thuẫn và huấn luyện các phiến quân. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình Dozhd TV của Nga, làn sóng chỉ trích Tổng thống Putin dường như là sản phẩm phối hợp của các nhà lãnh đạo. Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội Twitter, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin cho biết, Mỹ đã vội vã đưa ra kết luận về vụ tai nạn khi chưa biết tường tận các chi tiết chính xác liên quan tới vụ việc: “Chuyện giống vụ Saddam Hussein và vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông ấy vậy”.
Trước đó, ngày 20/7, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev khẳng định những cuộc thoại được cho là đã bị chặn và do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) công bố, trong đó các phiến quân thân Nga thảo luận về việc họ bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia, là xác thực. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định, bằng chứng trong vụ bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia chỉ rõ quân ly khai ở Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa được chuyển tới từ Nga.

Ông Kerry nói: “Rõ ràng đây là một hệ thống được chuyển giao từ Nga sang tay các phần tử ly khai”. Tương tự như vậy, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, kết luận khó thể phủ nhận rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi tên lửa từ lãnh thổ đang được chiếm đóng bởi lực lượng nổi dậy, và gần như chắc chắn tên lửa này được hỗ trợ từ Nga.

Ông Hammond còn nhấn mạnh, Anh sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu Moskva không có những hành động tích cực trong vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì “bóng gió” trong bài trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag rằng: “Moskva có thể có cơ hội cuối cùng để cho thấy họ thực sự quan tâm đến một giải pháp cụ thể”, và rằng: “Giờ là lúc chúng ta cần phải dừng lại và tự nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngừng việc leo thang căng thẳng”. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì hối thúc Nga hợp tác với phương Tây.

Nghị quyết về thảm kịch MH17

Ngày 21/7, hãng tin Itar-Tass dẫn lời Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Mark Lyall Grant cho biết, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã hoàn tất công tác soạn thảo một bản dự thảo nghị quyết liên quan tới vụ tại nạn máy bay MH17, trong đó HĐBA yêu cầu mọi hoạt động quân sự, bao gồm cả những hoạt động của các nhóm vũ trang, "phải chấm dứt ngay lập tức tại khu vực xung quanh địa điểm máy bay rơi nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho một cuộc điều tra quốc tế”. HĐBA sẽ tiến hành bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết này vào lúc 19h (giờ GMT) ngày 21/7.

Cùng ngày, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết, Moskva đã đệ trình HĐBA dự thảo nghị quyết của Nga về một cuộc điều tra công bằng liên quan tới vụ tai nạn này. Trong khi đó, trả lời Tạp chí Tài chính của Australia, Đại sứ Nga tại Australia Vladimir Morozov cho biết, nước ông sẽ ủng hộ một nghị quyết của LHQ về việc đảm bảo tiếp cận tự do vị trí máy bay MH17 rơi, miễn là nghị quyết này không quy trách nhiệm cho Moskva.

Ông nhấn mạnh, Moskva sẵn sàng ủng hộ một nghị quyết dự thảo do Canberra soạn thảo, vốn sẽ đảm bảo các điều tra viên quốc tế được phép tiếp cận vị trí máy bay rơi ở vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

Tính đến 7h ngày 21/7 (giờ địa phương), các lực lượng cứu hộ đã tìm được 251 thi thể và 66 mảnh thi thể tại hiện trường vụ tai nạn máy bay số hiệu MH17. Thủ tướng “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk Alexander Borodai cho biết, các mảnh thi thể đã được đưa tới khoang đông lạnh tại nhà ga tàu ở thị trấn Torez và sẽ được giữ tại đây đến khi Cơ quan tình trạng khẩn cấp nhà nước Ukraine (GosChS) và các chuyên gia quốc tế quyết định chuyển đến vị trí mới.

Tổng cộng tại địa điểm tìm kiếm có 810 nhân viên làm việc, trong đó 335 nhân viên GosChS cùng 35 phương tiện kỹ thuật. Ông Borodai cho biết thêm rằng, lực lượng vũ trang tự xưng ở miền Đông đã phát hiện hộp đen được cho là của chiếc máy bay gặp nạn và đã đưa chúng tới Donetsk, đồng thời khẳng định sẽ không trao các hộp đen cho Ukraine mà chỉ trao cho chuyên gia của ICAO.

Cũng trong ngày 21/7, Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Liow Tiong Lai đã dẫn đầu một nhóm gồm 132 chuyên gia của nước này tới Kiev làm thủ tục trước khi lên đường tới hiện trường vụ tai nạn. Cùng ngày, máy bay của Bộ Quốc phòng Hà Lan mang theo nhiều thiết bị chuyên dụng để nhận dạng chính xác các nạn nhân đã tới Kharkiv miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, cùng ngày, đã xảy ra pháo kích dữ dội làm rung chuyển khu vực xung quanh nhà ga xe lửa ở trung tâm TP Donetsk, miền Đông Ukraine. Các tay súng đã phong tỏa các tuyến đường ở khu vực giáp ranh thành phố, trong khi những người dân hoảng loạn chạy khỏi khu vực giao tranh bằng xe buýt nhỏ hoặc đi bộ.

Phát ngôn viên cho các chiến dịch quân sự của Ukraine, ông Vladyslav Seleznyov cho biết, chiến dịch của họ đang ở trong “giai đoạn chủ động”, song không bình luận gì về các thông tin liên quan tới việc binh lính tiến vào Donetsk. Trong khi đó, đại diện của Văn phòng thủ tướng nước “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk, ông Sergei Kavtaradze thì khẳng định, có ít nhất bốn xe tăng và xe bọc thép đang tìm cách xông vào TP Donetsk

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.